LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THPT LÝ TỰ TRỌNG
Một tiếng nổ kinh hoàng nhưng không làm ta hãi hùng như tiếng bom đạn thời chiến tranh khốc liệt mà là tiếng nổ của một hố bom đạn còn sót lại trên một vùng đất đã được quy tập. Tiếng nổ như vừa kết thúc một thời kì chiến tranh oanh liệt, vừa mở ra một thời kì văn hoá mới cho một vùng quê nghèo bị bom cày đạn xới. Trên một vùng đất sỏi khô cằn đã mọc lên những cây hoa rất đẹp: Một ngôi trường cấp III khang trang, hợp với sở nguyện của biết bao người dân nghèo mà hiếu học được xây dựng. Trường THPT mang tên người anh hùng Lý Tự Trọng được thành lập vào ngày 11/04/2000 theo quyết định số 44/QĐ-UB của UBND tỉnh Bình Định. Có niềm vui nào lớn hơn đối với nhân dân khi trường được đặt ở một vị trí lý tưởng, thuận lợi cho việc học tập, giao lưu văn hóa, khoa học của bốn xã phía bắc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi mà người dân có truyền thống hiếu học, nhu cầu học tập rất lớn và có sức lan toả mạnh mẽ.
Vạn sự khởi đầu nan, thời kì đầu thành lập, trường gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt nhất là CSVC vì chưa kịp đầu tư. Từ thực trạng trên, nhà trường xây dựng kế hoạch cho trước mắt và lâu dài hướng tới mục tiêu xây dựng nhà trường phát triển. Thương làm sao những thầy cô giáo và các cô cậu học trò trong cái nắng như đổ lửa, trên một vùng cát bỏng rát phải hì hục đào lổ, tưới nước, chăm sóc cây trồng để nhanh chóng phủ xanh bóng mát sân trường. Đội ngũ GV vừa thiếu, vừa mới ra trường với nhiều lúng túng trong giảng dạy. Cứ nghĩ trên thế gian không có ai là vĩ đại mà chỉ có những thách thức vĩ đại mới thấy được nghị lực và ý chí của thầy và trò trong quá trình giáo dục, cải tạo môi trường khang trang, sạch đẹp như ngày hôm nay.
Những ngày đầu thành lập, Sở quyết định bổ nhiệm Thầy Mai Anh Dũng làm Hiệu trưởng, Thầy Trần Tẩu, Thầy Hồ Hồng- P.HT và Thầy Trần Tẩu làm Bí thư Chi bộ. Có thấu được những khó khăn từ những ngày đầu thì mới hiểu rằng nhiệt huyết là thứ khí giới tối cần thiết cho con người, nên tập thể lãnh đạo đồng tâm nhất trí xây dựng nhà trường theo phương châm “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” đáp ứng tốt nhu cầu của HS và nhân dân địa phương.
Lãnh đạo nhà trường có chủ trương đúng mực vào việc ổn định tổ chức, xây dựng nền nếp các hoạt động giáo dục, khuyến khích đội ngũ GV tự bồi dưỡng năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Định hướng tư tưởng cho tinh thần phấn đấu thực hiện những giá trị của GV của trường là: “Tinh thần trách nhiệm – Luôn luôn khoan dung – Khuyến khích sáng tạo – Coi trọng hiệu quả – Đoàn kết – Thương yêu”, xây dựng tốt mối quan hệ với các cấp uỷ, chính quyền các xã có HS theo học và ban đại diện Hội cha mẹ HS, tích cực tham mưu với các cấp trên đầu tư xây dựng CSVC, củng cố các tổ chức đoàn thể và tạo điều kiện để các đoàn thể phát huy đúng chức năng, thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của trường đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện lời dạy của Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt – học tốt”.
Thời khó, thế khó, nhưng khó làm yếu đi bản lĩnh, ý chí của tập thể sư phạm nhà trường. Năm 2004-2005, Trường lại gặp khó khăn. Khi sự nghiệp giáo dục phát triển, Sở GD & ĐT Bình Định đã quyết định tách hệ thống giáo dục THCS với tên gọi cũ là THCS Hoài Châu Bắc trực thuộc Phòng GD & ĐT Hoài Nhơn. Lúc này Thầy Mai Anh Dũng vừa đảm nhiệm vai trò là Hiệu trưởng vừa là Bí thư chi bộ của trường. Trong tình hình mới, Thầy đã lập ra Phòng giáo vụ và chọn Thầy Lê Huy Hoàng làm Trưởng phòng- giúp thầy Hiệu trưởng phụ trách các hoạt động chuyên môn. Sau đó Sở đã bổ nhiệm Thầy Nguyễn Thanh Thạch làm PHT và được thầy Hiệu trưởng phân công phụ trách công việc quản lý đội ngũ GVCN, công tác hoạt động ngoại khoá và giáo dục đạo đức tư tưởng cho HS trong trường.
Đến tháng 11 năm 2010, có một thay đổi nữa trong công tác tổ chức của nhà trường, Thầy Nguyễn Văn Thọ được chuyển về trường làm Phó Hiệu trưởng (Phụ trách chung) thế Thầy Mai Anh Dũng (Chuyển về làm Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trân), Thầy Nguyễn Thanh Thạch, Thầy Lê Huy Hoàng – P.HT và Thầy Nguyễn Thanh Thạch được bầu làm Bí thư chi bộ của nhà trường. Với chức trách và nhiệm vụ mới, Thầy Nguyễn Văn Thọ đã có những định hướng và chỉ đạo mới giúp nhà trường nhanh chóng ổn định tình hình và ngày càng đi vào chiều sâu của công tác tổ chức và hoạt động giáo dục. Có thể nói, đời không có vòng nguyệt quế mà chỉ có những thách thức mới để thấy con người có quyết tâm cao hơn.
Tự hào đi lên từ những thành tích
Luôn đón nhận những thử thách để cảm thấy niềm vui chiến thắng bởi khó khăn là cái giá của sự tiến bộ. Tổ chức Công đoàn dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và sự chỉ đạo của BGH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Nguyên Chủ tịch Công đoàn nhà trường lúc đầu là cô Hà Thị Thanh Hương (2000) và sau này là Thầy Đinh Văn Huỳnh (2004), bằng nhiệt tâm và sáng tạo đã phát huy được vai trò, tạo được sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ cơ quan, là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của anh chị em, đồng thời tổ chức cho cán bộ GV tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Ngành. Những năm qua, Công đoàn liên tục đạt danh hiệu Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc. GV trường Lý Tự Trọng trẻ tuổi, nhiệt huyết và sáng tạo đã tạo ra những bước đột phá trên mọi lĩnh vực. Ghi nhận và vinh danh những đóng góp xuất sắc của Thầy Nguyễn Thanh Thạch, Thầy Lê Huy Hoàng, Cô Trần thị Thu Hoài đã đạt giải cao trong những Hội thi Cán bộ Công đoàn cơ sở giỏi. Ghi nhận những thành tích đáng tự hào vì sự phát triển lực lượng GVDG cấp tỉnh mà những GV tiên phong là Thầy Lê Huy Hoàng, Thầy Nguyễn Thanh Thạch (2004-2005), tiếp bước là Thầy Nguyễn Hữu Phường, Cô Trần Thị Kim Nga (2006-2007), Cô Đặng Thị Phước và Thầy Nguyễn Chí Linh (2009-2010) tạo ra một lực lượng GV nòng cốt trong công tác chuyên môn.
Có thể nói, nơi nào có sáng tạo nơi đó có thành công. Công tác nghiên cứu khoa học được lãnh đạo nhà trường và GV rất quan tâm với một niềm đam mê sáng tạo ngay từ những năm đầu và phát triển bền vững cho đến hôm nay. Có nhiều SKKN được Hội đồng khoa học cấp ngành (sở GDvà ĐT Bình Định) công nhận và có GV nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở như Thầy Lê Huy Hoàng, Thầy Trần Minh Cảnh.
Không thể không kể đến lực lượng hỗ trợ tích cực cho các hoạt động giáo dục của nhà trường là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Từ cựu Bí thư Đoàn trường là Thầy Chế Văn Thạnh và bắt đầu từ năm 2004 đến nay là Thầy Huỳnh Tấn Châu, luôn phát huy vai trò xung kích, tình nguyện trong mọi hoạt động. Đoàn trường đã xây dựng được nền nếp, kỷ cương cho đoàn viên, thanh niên trong trường. Đồng thời tổ chức được nhiều hoạt động, nhiều sân chơi thu hút được thanh niên và có tác dụng giáo dục. Thông qua đó hướng tới việc hình thành những giá trị sống có bản sắc riêng của HS trường THPT Lý Tự Trọng: “Cần cù – Tự chủ – Trung thực – Sáng tạo – Nhân ái” với lối sống lành mạnh, văn minh. Đoàn trường liên tục đạt thành tích xuất sắc trong nhiều năm liền, được Tỉnh đoàn và Trung ương Đoàn tặng bằng khen. Thầy Huỳnh Tấn Châu là một tấm gương sáng về lòng tận tuỵ và nhiệt tâm trong phong trào Đoàn và năm 2009 Thầy đã được TW Đoàn tặng bằng khen.
Vươn tới những tầm cao và chắp cánh cho những ước mơ là mục tiêu mà nhà trường hướng tới trong công tác giáo dục HS. Sự đầu tư về CSVC cùng với sự trưởng thành vững chắc của đội ngũ GV đã góp phần khẳng định những thành tích của HS. Cho đến nay đã có 5 HS đạt HSG cấp Quốc gia các môn Ngữ văn và Lịch sử như em Ngô Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Trương Văn Đình, Dương Thị Kim Tiến, Nguyễn Công Ly. Có trên 100 HS đạt HSG cấp tỉnh và con số này ngày càng tăng lên cả về lượng và chất. Song song với những tấm gương học tập tiêu biểu xuất sắc là kết quả thi tốt nghiệp ở trường ta mỗi năm một tăng dần. Đó không chỉ là niềm phấn khởi của HS, của Hội cha mẹ HS mà con số ấy đã khẳng định sự nổ lực và ngày càng tự tin trên con đường giáo dục mà tập thể sư phạm trường Lý Tự Trọng tạo nên.
Thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp. Những điều tốt đẹp đã đến khi Trường được nhận Bằng công nhận Đơn vị văn hóa (UBND tỉnh Bình Định tặng- 2003), nhà trường được UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen Tập thể lao động tiên tiến xuất sắc vào năm 2008 và 2012. Bộ GD và ĐT cũng đã tặng Bằng khen cho Thầy Mai Anh Dũng (2008) và Thầy Nguyễn Thanh Thạch (2009) về những thành tích xuất sắc trong công tác lãnh đạo nhà trường.Không chỉ có một nền tảng tri thức vững chắc, GV và HS trường Lý Tự Trọng còn đặc biệt xuất sắc trong các hoạt động xã hội, văn hoá nghệ thuật, TDTT. Từ những ngày đầu tham gia hội thi tiếng hát Công đoàn ngành cho đến nay, mỗi lần tổ chức trường ta lại có những phát hiện mới về tài năng nghệ thuật. Có thể kể những giọng ca vàng của trường như Cô Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (hiện đang dạy tại THPT Tuy Phước 1), Thầy Lê Huy Hoàng, Thầy Trần Minh Cảnh, Thầy Huỳnh Sĩ Chủng,.. (đã đạt giải nhất, giải nhì, giải ba tiếng hát Công đoàn ngành Giáo dục Bình Định). Các thầy cô không chỉ truyền bầu nhiệt huyết trên bục giảng mà còn truyền cả ngọn lửa đam mê của tình yêu cuộc sống trong từng lời ca tiếng hát đến các HS thân yêu. Chưa thử sức thì không bao giờ biết năng lực của mình. GV và HS trường Lý Tự Trọng đã thử sức và đã khẳng định mình trên mọi đường đua từ văn nghệ đến TDTT. Tuyển chọn từ phong trào TDTT và các giải điền kinh truyền thống của trường, cùng với tinh thần miệt mài, sáng tạo trong công tác huấn của nhóm GV thể dục mà Thầy Cao Minh Tín được phân công đảm nhiệm chính, các thế hệ vận động viên TDTT đã góp những thành tích đáng kể làm rạng danh tên tuổi Trường THPT Lý Tự Trọng. Nhiều năm liền đội điền kinh của trường đã đạt giải cao (nhất, nhì) trong Hội khoẻ Phù Đổng toàn tỉnh với sự đóng góp của những vận động viên điền kinh tiêu biểu là Lê Thị Nhị Quỳnh, Trần Thị Thu Hiền, Huỳnh Thị Lan Chi, Nguyễn Công Trạng… Và hình ảnh đáng tự hào còn lưu lại trong phòng truyền thống của Trường là tấm ảnh đội bóng đá nam HS nhận cúp và HCV năm 2003-2004, đội bóng chuyền nam nhận HCĐ (2011-2012), …
Với những kết quả trên, nhà trường đã khẳng định truyền thống hiếu học, thông minh, cần cù vượt khó của HS trường Lý Tự Trọng. Những cô cậu HS vừa lao động giúp đỡ gia đình như làm ruộng, dệt chiếu, chăn dắt gia súc, vừa mang sách vở theo để học bài ngày nào, hôm nay đã trở thành những Tiến sĩ, Thạc sĩ trong và ngoài nước với nhiều ngành nghề khác nhau như Kĩ sư, Bác sĩ, Luật sư, quản lý kinh tế và hành chính,… đang hàng ngày, hàng giờ đem tài và đức của mình đóng góp cho sự phát triển của Đất nước, đã không còn xa lạ trên quê hương xứ Hoài. Đến thời điểm này, ghi nhận và vinh danh những Tiến sĩ Hồ Anh Tuấn, Bành Quốc Nguyên, các Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Thuận, Mai Thị Như Hiệp, Trần Đức Sự, Ngô Thị Sương, Nguyễn Thị Hoài Thanh cùng các HS xuất sắc của Trường như Mai Phương Diện, Trương Trí Tín,…
Không phải kể khổ cũng không phải kể lể công trạng, thành tích nhưng những kết quả và thành tích mà thầy trò trường THPT Lý Tự Trọng đã làm được từ “thuở hàn vi” với khó khăn chất chồng cho đến những năm tháng từng bước khẳng định thương hiệu trường Lý Tự Trọng là để khẳng định một điều rằng “Không gì nghèo bằng không có tài, không gì hèn bằng không có chí”.
Niềm kiêu hãnh và những thách thức mới
Khối đá hoa cương vốn là trở ngại trên đường đối với những kẻ yếu và không có ý chí bản lĩnh, nhưng lại là nấc thang trên đường đi của những con người có nhiệt huyết và quyết tâm, đoàn kết và đồng thuận, năng động và sáng tạo. Ra đời và phát triển trong thời kì đất nước đang hội nhập và phát triển, những năm qua trường THPT Lý Tự Trọng đã tạo cho mình một hướng đi đúng, một thế phát triển mạnh để bước vào thế kỉ XXI đầy tự tin.
Hai mươi năm xây dựng và phát triển của trường đã trải qua nhiều chặng đường gian nan và đầy ý nghĩa. Nhìn lại quá khứ để thấy được những gian khó và cả những nổ lực vươn lên của thầy và trò trường THPT Lý Tự Trọng, chúng ta có quyền kiêu hãnh và tự hào về 20 năm ấy.
Hai mươi năm chưa phải là nhiều cho một sức trẻ đang trên đà phát triển. Nhiệm vụ phát triển giáo dục của nhà trường trong thời gian tới cũng đầy cam go và thử thách nhưng CB-GV và HS nhà trường sẽ bằng trí tuệ, tài năng và tâm huyết của mình, quyết tâm đưa trường trở thành một trong những điểm sáng của giáo dục tỉnh nhà .
————-