Dạy và học môn liên kết, trải nghiệm ra sao?

Tăng cường quản lý hoạt động dạy học trong trường học, năm học này, Sở GD&ÐT yêu cầu các cơ sở giáo dục không liên kết với các trung tâm bên ngoài để tổ chức hoạt động giáo dục theo hình thức tự nguyện có thu tiền của cha mẹ học sinh. Hoạt động trải nghiệm phải được thể hiện trong kế hoạch giáo dục, xây dựng từ đầu năm học và được Hội đồng trường phê duyệt.

Theo ông Lý Chiêu Hòa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, từ tháng 10 các trường học trực thuộc quản lý đã dừng hoạt động liên kết với các trung tâm bên ngoài để tổ chức hoạt động giáo dục theo hình thức tự nguyện có thu tiền. Trên cơ sở đó, các trường rà soát nhân lực, cơ sở, chương trình dạy học và các điều kiện tổ chức khác để tổ chức phù hợp với quy định.

Trường Tiểu học số 1 Tam Quan Bắc tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống cho HS. Ảnh: M.H

Ngoài Quy Nhơn, các huyện, thị xã trong tỉnh không có hình thức liên kết trung tâm bên ngoài để tổ chức hoạt động giáo dục tại trường học. Năm học này, Trường Tiểu học số 1 Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) hợp đồng với giáo viên tiếng Anh dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh (HS) lớp 1, lớp 2, trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh về việc thu chi theo quy định. Riêng hoạt động dạy kỹ năng sống do giáo viên chủ nhiệm thực hiện trong tiết học tăng cường được tổ chuyên môn xây dựng trong kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục. “Những hoạt động trang bị cho HS kỹ năng sống đều không thu tiền. Trường hợp tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm dư giờ thì được trả tăng giờ từ ngân sách”, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Dư cho hay.

Trong khi đó, với hoạt động trải nghiệm, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 quy định bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn yêu cầu hoạt động trải nghiệm tổ chức ngoài nhà trường chỉ được thực hiện trong tỉnh và trên tinh thần tự nguyện, công khai. Các hoạt động giáo dục tổ chức ngoài nhà trường phải được trao đổi, bàn bạc và có sự thống nhất của cha mẹ HS. Không lợi dụng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục STEM để đưa HS đi tham quan, du lịch.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Hiệu trưởng Trường Quốc học Quy Nhơn, căn cứ điều kiện thực tế, đối với tiết sinh hoạt dưới cờ, nhà trường lập kế hoạch và phân công giáo viên giảng dạy hoạt động trải nghiệm kết hợp giáo viên chủ nhiệm của các lớp khối 10 và 11 phối hợp tổ chức sinh hoạt dưới cờ phù hợp với chủ đề, hình thức đa dạng như tiểu phẩm, sân khấu hóa, hùng biện, thuyết trình… Mới đây, trường tổ chức cho HS khối 10 tham quan Trung tâm Lưu trữ lịch sử của tỉnh để trải nghiệm, tìm hiểu về triển lãm “Bình Định theo dòng lịch sử”. Trong học kỳ II sẽ cho HS tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế tại Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo, tham quan phòng thí nghiệm thực hành của Trường ĐH Quy Nhơn… “Nhà trường không thu bất kỳ khoản phí nào của HS từ hoạt động tham quan trải nghiệm thực tế”, bà Hoa nhấn mạnh.

Ghi nhận thực tế cho thấy các trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm trong nhà trường như trò chơi dân gian, bóng đá, văn nghệ, biểu diễn thời trang, trồng rau, tham gia lao động… Trong khi đó, hoạt động trải nghiệm ngoài trường học được linh hoạt theo đặc thù từng trường, từng địa bàn, trên cơ sở đồng thuận của cha mẹ HS.

Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước) lên kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường theo từng khối lớp. HS khối 1 trải nghiệm với chủ đề nghề nghiệp nông thôn “Mùa gặt quê hương em”; khối 2 trải nghiệm chủ đề về di tích “Tháp Bánh Ít Bình Định”; khối 3 trải nghiệm chủ đề làng nghề “Bánh xèo Mỹ Cang”; khối 4 trải nghiệm chủ đề “Làng gốm An Nhơn” và khối 5 trải nghiệm với chủ đề khám phá khoa học tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo.

“HS rất hào hứng với hoạt động trải nghiệm, sau mỗi buổi học các em đều có bài viết cảm nghĩ. Tuy vậy, để hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường được tổ chức hiệu quả, ngoài các quy định còn cần phải nhận thức đầy đủ sâu sắc việc tổ chức hoạt động trải nghiệm và đa dạng hóa hình thức để tổ chức hoạt động này phù hợp với đối tượng HS, nhà trường, địa phương và điều kiện gia đình HS”, Hiệu trưởng nhà trường Giả Tấn Trọng chia sẻ.

MAI HOÀNG (Báo Bình Định)

scroll to top