Khai bút đầu năm

Trong truyền thống đón tết vui xuân của người Việt, liên quan đến chữ nghĩa, cùng với xin chữ, cho chữ, chơi chữ, ông bà ta còn có tục khai bút đầu xuân. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa gắn liền với truyền thống hiếu học, coi trọng chữ nghĩa của người Việt.

“Khai bút” là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, chữ “khai” (bộ môn) có nghĩa là “mở ra” (như trong khai mạc, khai trương); chữ “bút” (bộ trúc) được Việt hóa hoàn toàn, trong tiếng Việt là “cây bút, cây viết”, trong tiếng Hán còn có nghĩa động từ là “viết” và một số nghĩa khác. Như vậy, “khai bút” có thể hiểu là “mang bút ra, viết những chữ đầu tiên”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa khai bút là “cần bút viết hoặc vẽ lần đầu tiên vào dịp đầu năm, theo tục xưa” (Hoàng Phê chủ biên, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 2003, tr.490).

Trong quan niệm của người Việt nói riêng, người phương Đông nói chung, ngày đầu tiên của năm là ngày rất quan trọng, có tính biểu trưng cho một sự khởi đầu mới. Nếu trong ngày đầu năm, việc gì suôn sẻ thì cả năm sẽ thuận lợi, may mắn. Cho nên, ngày trước, sau đêm giao thừa, nhất là trong buổi sáng mồng một tết, các vị quan chức, nho sĩ, học trò thường chuẩn bị bút lông, nghiên mực, án thư, giấy hoặc lụa và chọn một giờ tốt để làm lễ khai bút đầu năm. Trong lễ khai bút, người ta sẽ làm một bài thơ, bài văn hoặc đơn giản là viết vài dòng, vài chữ thật đẹp và trang trọng với mong ước cả năm văn hay chữ tốt, đường công danh học vấn hanh thông.

Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, điều đáng trân trọng là nhiều giá trị truyền thống nói chung, tục khai bút đầu năm của người Việt ta nói riêng, vẫn được giữ gìn, phát huy. Hơn nữa, trong nhịp sống hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đã được mang những màu sắc mới. Chẳng hạn, bên cạnh tục khai bút truyền thống, nhiều người ngày nay khai bút với chỉ… một chiếc máy tính. Hoặc như, ngày trước, khai bút chủ yếu là một hoạt động cá nhân thì ngày nay, ở một số địa phương, khai bút được tổ chức thành lễ lớn với sự tham gia của nhiều người.

Dù có những biến đổi ít nhiều về hình thức thì giá trị chung của tục khai bút là ở việc đề cao việc học, coi trọng chữ nghĩa vẫn không hề thay đổi. Đây chính là giá trị cốt lõi làm nên sức sống lâu bền của tục khai bút trong truyền thống văn hóa dân tộc.

ThS. PHẠM TUẤN VŨ

scroll to top